Nếu bạn mở tin nhắn và thấy hình bộ phận sinh dục được phơi bày từ một tài khoản lạ, đó là quấy rối tình dục (sau đây viết tắt là QRTD) qua mạng.
Nếu bạn nhắn tin cho người quen và người đó thường xuyên đề cập tới các chủ đề về “sex”, dù bạn đã nói không thích nhưng họ vẫn tiếp tục nói, đó là quấy rối tình dục qua mạng.
Nếu bạn đăng hình và nhận được bình luận khiếm nhã về cơ thể như “trông ngon thế em”, “đẹp trai quá, nhìn muốn rụng trứng”, … đó là quấy rối tình dục qua mạng.
Nếu bạn không hứng thú nhưng bạn trai/chồng của bạn vẫn liên tục sexting (gọi cho thuần Việt là chat sex), đó cũng là quấy rối tình dục qua mạng.
Khi bạn bị người khác đụng chạm cơ thể hoặc nói những lời liên quan đến hoạt động tình dục nhưng không có sự cho phép của bạn đều là quấy rối tình dục (QRTD).
Tương tự, khi buộc phải tiếp nhận các nội dung đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe doạ, ép buộc tham gia vào các hành vi liên quan tới tình dục thông qua các nền tảng mạng xã hội trong khi bản thân không thoải mái đều là quấy rối tình dục qua mạng. Dù ngay cả trong mối quan hệ bạn trai – bạn gái, vợ – chồng thì khi không có sự đồng thuận (sexual consent) và có mang tính đe doạ vẫn được xem xét là QRTD.
Ở Việt Nam, số đông vẫn quan niệm rằng chỉ khi tác động trực tiếp vào cơ thể mới là QRTD, nên việc bình phẩm, dụ dỗ, phơi bày vùng nhạy cảm của cơ thể trên không gian mạng đối với nhiều người là điều bình thường. Luật pháp cũng chưa có các chế tài xử phạt rõ ràng đối với QRTD, nên khả năng thủ phạm QRTD qua mạng bị xử phạt cực kì thấp so với QRTD ngoài đời.
Tội phạm QRTD qua mạng thường lộng hành hơn, thường đánh tráo khái niệm như đó là trêu đùa vô hại, hoặc đặt mối quan hệ đó trong mức thân thiết/tìm hiểu/yêu đương. Nạn nhân ở Việt Nam lớn lên trong xã hội vốn vẫn còn nhiều tàn dư trong tư tưởng trọng nam khinh nữ, bệnh thành tích và giữ thể diện nên nạn nhân thường tự cho rằng đó là một phần của mối quan hệ hoặc tệ hơn đó là lỗi của bản thân. Sự im lặng thoả hiệp của nạn nhân khiến tổn thương về mặt tinh thần của họ càng trầm trọng.
Bạn sẽ làm gì khi bị quấy rối tình dục qua mạng?
Như đã nói ở trên, ở Việt Nam vẫn chưa có các chế tài xử phạt rõ ràng đối với hành vi QRTD qua mạng. Và số đông những người ở lề thói cũ vẫn xem nhẹ việc này, nên nạn nhân và người muốn giúp đỡ nạn nhân thường gặp rất nhiều khó khăn khi đưa kẻ xấu ra ánh sáng. Khi My thử research câu hỏi “làm gì khi bị quấy rối tình dục qua mạng?” và các bài viết trả lời bằng tiếng Việt rất chung chung. Ngoài việc liên hệ với Luật sư để được tư vấn thì nếu các bạn trẻ không có điều kiện, hoàn toàn sẽ bỏ cuộc từ bước này.
Nhưng vẫn mong các bạn trẻ nhận thức được thế nào là QRTD qua mạng và có cách giải quyết cứng rắn và quyết liệt. Xin hãy dẹp sự cả nể, và xem việc “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” là bình thường. Hãy nhớ rằng bạn có tiếng nói riêng và con gái nói không là KHÔNG. Nếu có bất kì hành động nào khiến bạn khó chịu, hãy:
– Thể hiện sự không đồng thuận, không chấp nhận hành vi quấy rối đó. Yêu cầu kẻ quấy rối dừng lại.
– Nếu việc vẫn cứ tiếp tục diễn ra, nên thẳng tay chặn/báo cáo mọi tài khoản của kẻ quấy rối.
– Nếu kẻ xấu vẫn tiếp tục đeo bám, cần thu thập chứng cứ và khiếu nại về hành vi quấy rối. Đặc biệt, khi cần trợ giúp, các bạn phải cố gắng tìm đúng người và đúng cách.
+ Khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết. Tuỳ vào hoàn cảnh, người có thẩm quyền sẽ khác nhau, ví dụ nếu trong trường học sẽ là Ban Giám Thị, ở nơi công sở sẽ là “HR”, với trẻ em thì nên gọi Tổng đài 111…
+ Khi quyết định kiện và đưa ra pháp luật, nên hoàn tất đơn khởi kiện, viết rõ đích danh tới người/cơ quan có thẩm quyền bằng VĂN BẢN. Không viết THƯ RIÊNG hoặc TÂM TÌNH để sự việc xử lý theo TƯ CÁCH CÁ NHÂN.
– Nếu vẫn chưa được giải quyết, đừng quên rằng chúng ta có một quyền lực lớn hơn tất cả, đó là DƯ LUẬN. Nếu vẫn không được giải quyết từ các cơ quan chức năng nên dũng cảm tố cáo trên mạng xã hội để vạch trần kẻ xấu. Bạn sẽ không cô độc trong hành trình đó!
Vì muốn chấm dứt nạn quấy rối, chính mỗi chúng ta cũng phải nhìn nhận đúng vấn đề để lên án kẻ xấu và bảo vệ nạn nhân. Sự im lặng của người tốt chính là tiếp tay cho kẻ xấu. Khi gặp những thông tin bị quấy rối tình dục đã xác thực, mỗi tiếng nói của bạn cho lẽ phải là một lá phiếu thông hành cho công lý mở cửa. Hãy nhớ rằng, đây sẽ là môi trường mà chính con em của bạn sẽ lớn lên, kẻ xấu sẽ không chừa bất cứ nạn nhân nào!
Mong rằng trong tương lai gần, giáo dục sẽ chú trọng tới “sex education” cho cả học sinh và giáo viên. Để không còn một người làm giáo dục nào giải thích QRTD là “nam tính quá mạnh”, các em nhỏ là nạn nhân sẽ không còn lúng túng, tự trách bản thân.
Vẫn đợi chờ Chính phủ và Quốc hội sớm đưa tội danh và bổ sung hành vi QRTD vào bộ luật Hình sự để tăng tính răn đe với kẻ xấu. Mong rằng chẳng còn trường hợp QRTD gây nhiều tổn thương về mặt tinh thần và thể xác cho nạn nhân nhưng vẫn lên trả lời phỏng vấn trên báo Pháp Luật rằng sẽ kiện ngược lại nạn nhân vì đã xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân, tổ chức. Đúng là khi cái ác mang khuôn mặt tri thức thì trắng cũng thành đen.
Cuộc chiến này có vẻ sẽ còn kéo dài, nhưng có hoà bình nào không trải qua những cuộc cách mạng đâu.
—
Bài viết của Tác giả LêMy